Sáng ngày 16/5/2022, Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học: “Trách nhiệm hình sự đối với những sai phạm trong thi hành án dân sự”.
Sáng ngày 16/5/2022, Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học: “Trách nhiệm hình sự đối với những sai phạm trong thi hành án dân sự”. PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó giám đốc Học viện Tư pháp chủ trì Hội thảo cùng TS. Bùi Nguyễn Phương Lê – Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa đào tạo các chức danh thi hành án dân sự; TS. Nguyễn Thanh Mai - Trưởng Bộ môn kỹ năng tham gia giải quyết các vụ án hình sự thuộc Khoa Đào tạo Luật sư. Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia hoạt động thực tiễn: TS. Hoàng Thế Anh – Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ III, Tổng cục Thi hành án dân sự; ThS Phan Huy Hiếu – Chánh Văn phòng Tổng cục thi hành án dân sự; ThS. Văn Thị Tâm Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ giải quyết khiếu nại tố cáo, Tổng cục Thi hành án dân sự; TS. Nguyễn Mai Bộ - Nguyên chánh án tòa án quân sự Trung ương; Luật sư Nguyễn Văn Chiến – Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; cùng các giảng viên tham gia giảng dạy chương trình môn học Kỹ năng tham gia giải quyết các vụ án hình sự và Kỹ năng thi hành án dân sự và đại diện học viên của các lớp đào tạo nghề luật sư.
.jpg)
Thi hành án dân sự là hoạt động đưa các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật ra thi hành. Việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án phải tuân thủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và các pháp luật liên quan; đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án đa số sẽ dẫn đến việc chấm dứt quyền về tài sản của người phải thi hành án nên đa số người phải thi hành án sẽ không hợp tác hoặc chống đối nên việc thi hành án thường kéo dài (trung bình khoảng 180 ngày, có những vụ việc thời gian thi hành án kéo dài đến vài năm). Trong quá trình tổ chức thi hành án nếu Chấp hành viên không thực hiện đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục có nguy cơ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc cá nhân, tổ chức có liên quan. Việc không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục trong quá trình tổ chức thi hành án dẫn đến gây thiệt hại cho nhà nước, cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp thì Chấp hành viên có thể bị xem xét trách nhiệm cá nhân thậm chí có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự. Trong những năm gần đây, hệ thống các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (THADS) và các lĩnh vực pháp luật có liên quan ngày càng được quan tâm, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, kết quả công tác của toàn hệ thống THADS ngày càng có nhiều khởi sắc.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi về thực trạng và nguyên nhân của một số vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác thi hành án dân sự hiện nay; Thực trạng về trách nhiệm hình sự đối với những sai phạm trong thi hành án dân sự. Đồng thời các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý hình sự đối với sai phạm trong thi hành án dân sự.
Thay mặt Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Tư pháp, PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng cảm ơn các các nhà khoa học, các chuyên gia hoạt động thực tiễn cùng các giảng viên đã có nhiều ý kiến đóng góp tại Hội thảo. Hội thảo đã kết nối được thực trạng về trách nhiệm hình sự gắn liền với những sai phạm trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu, nhìn nhận, hệ thống hóa các vấn đề pháp lý. Phó giám đốc Học viện Tư pháp mong rằng các đại biểu tiếp tục có thêm ý kiến để đóng góp vào kết quả Hội thảo, lan tỏa giá trị nội dung của Hội thảo tới nhiều diễn đàn, nhiều lớp học.
.jpg)