Học viện Tư pháp được thành lập theo Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg ngày 25/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ, có tiền thân là Trường đào tạo các chức danh tư pháp được thành lập theo Quyết định số 34/1998/QĐ-TTg ngày 11/02/1998 của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh, nhiệm vụ chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp.
Học viện Tư pháp là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động theo Điều lệ trường đại học, là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu hình quốc huy, có tài khoản riêng, có trụ sở tại thành phố Hà Nội và Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp được giao cụ thể trong Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp và Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 - 2020”. Theo đó, Học viện Tư pháp có nhiệm vụ:
- Tổ chức thực hiện các khoá đào tạo nghiệp vụ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên, đấu giá viên và các chức danh tư pháp khác; liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế; tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, biện pháp giáo dục và quản lý học viên; phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện cho học viên.
- Tổ chức thực hiện bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho chấp hành viên, công chứng viên, luật sư, đấu giá viên, trợ giúp việc pháp lý và cán bộ có chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp; bồi dưỡng thừa phát lại; tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp; bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật tại các doanh nghiệp; tập huấn kiến thức pháp luật cho các cơ quan, đơn vị ngoài ngành tư pháp.
Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Học viện Tư pháp gồm có:
- Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 với 19 thành viên, Giám đốc Học viện Tư pháp làm chủ tịch Hội đồng.
- Theo quy định, Học viện có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc.
Hiện nay, Học viện có 01 Giám đốc là đồng chí Nguyễn Xuân Thu, 02 Phó giám đốc là đồng chí Nguyễn Trường Thiệp và đồng chí Nguyễn Minh Hằng.
Có 16 đơn vị cấp phòng gồm 04 Khoa, 06 Phòng, 05 Trung tâm và Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh; 21 bộ môn thuộc Khoa được thành lập trước khi có Quyết định số 2229/QĐ-BTP.
- Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội tại Học viện Tư pháp gồm có: Đảng bộ Học viện; Công đoàn Học viện; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện; Chi hội Cựu chiến binh Học viện; Chi hội Luật gia Học viện, Chi hội nhà báo Tạp chí Nghề luật.
- Tạp chí Nghề luật với cơ cấu gồm có Tổng biên tập, 02 Phó Tổng biên tập, Ban Biên tập, Ban Trị sự và Thư ký toà soạn.
Nguyên lý đào tạo
Trong quá trình trưởng thành và phát triển của mình Học viện Tư pháp đã xây dựng và đúc kết được những nguyên lý đào tạo rất hữu ích trong công tác đào tạo và bồi dưỡng các chức danh tư pháp. Những nguyên lý này đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình giảng dạy, xây dựng chương trình, giáo trình, hồ sơ tài liệu phục vụ giảng dạy và các hoạt động có liên quan đến công tác đào tạo và bồi dưỡng các chức danh tư pháp của Học viện cụ thể như sau:
· Không giảng lý thuyết thuần tuý mà chỉ cập nhật kiến thức mới;
· Sử dụng hồ sơ thực tế để rèn luyện kỹ năng và nhắc lại lý thuyết;
· Học bài thông qua diễn án – “simulation”
· Học bài thông qua làm công việc thực tế – “learning by doing” tại Trung tâm thực hành nghề luật của Học viện;
· Học bài thông qua quá trình làm bài thi;
· Rèn luyện kỹ năng nói thông qua thi hùng biện;
· Rèn luyện kỹ năng viết thông qua viết tiểu luận, soạn thảo văn bản tố tụng.
Phương pháp giảng dạy
Là một loại hình đào tạo mới ở nước ta, trên cơ sở những nguyên lý đào tạo đã nêu trên phương pháp giảng dạy trong đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên và các chức danh Tư pháp khác của Học viện Tư pháp lấy việc truyền nghề, cung cấp và rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết của hoạt động tư pháp cho học viên làm mục tiêu. Vì thế việc tổ chức học tập có nhiều điểm khác biệt so với đào tạo ở bậc đại học. Các lớp học được chia nhỏ để thuận tiện cho việc rèn luyện kỹ năng. Trung bình một lớp không quá 25 người. Phương pháp giảng dạy cũng hoàn toàn khác so với đào tạo ở bậc đại học. Ở bậc đại học, giảng viên chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình do một giảng viên thực hiện còn ở Học viện Tư pháp chủ yếu áp dụng phương pháp song giảng; giảng bằng phiếu kỹ thuật và giải quyết tình huống (một giảng viên lý thuyết và một giảng viên thực hành cùng giảng). Giảng viên đóng vai trò người hướng dẫn gợi mở cho học viên; nhận xét và tổng kết việc xử lý các tình huống, giải quyết các bài tập của học viên; rèn luyện khả năng tư duy độc lập cho học viên là chính. Học viên được rèn luyện kỹ năng giải quyết công việc và tác phong làm việc khoa học của người cán bộ tư pháp. Ngoài ra học viên còn được rèn luyện kỹ năng thông qua các buổi học diễn án. Đây là một phương pháp đào tạo hoàn toàn mới. Phương pháp này sử dụng các hồ sơ vụ việc thực tế để rèn luyện kỹ năng cho học viên.
Giảng viên
Học viện Tư pháp có 53 giảng viên với 16 nam và 37 nữ, trong đó: 02 Giảng viên cao cấp, 23 Giảng viên chính. Số giảng viên có chức danh tư pháp như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên... là 08 người. Về trình độ đào tạo: 01 Phó Giáo sư - Tiến sĩ, 13 Tiến sĩ, 36 Thạc sĩ, 03 cử nhân.
Ngoài đội ngũ giảng viên của Học viện, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Học viện Tư pháp đã xây dựng được đội ngũ khoảng hơn 600 giảng viên thỉnh giảng chủ yếu đến từ Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Toà án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư; các Cục, Chi cục Thi hành án, Trung tâm bán đấu giá tài sản và các cơ quan, đơn vị khác. Phần lớn giảng viên tham gia giảng dạy đều rất nhiệt tình, có chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn và có phương pháp giảng dạy khoa học. Nhiều người có học hàm, học vị, là những chuyên gia đầu ngành trong hoạt động nghề.
Kiểm tra và thi đánh giá chất lượng
Kiểm tra và thi để đánh giá kết quả học tập về chuyên môn của học viên ở Học viện Tư pháp có sự khác biệt căn bản so với các cơ sở đào tạo pháp luật cơ bản khác.
Đề kiểm tra và thi của Học viện lấy dữ kiện (tình huống) từ một vụ việc thực tế làm nội dung cơ bản của đề. Sau đó trên cơ sở những dữ kiện đó đề được phát triển bằng các tình tiết bổ sung và cứ sau một tình tiết bổ sung là một câu hỏi để học viên giải bài kiểm tra hoặc bài thi. Tổng hợp các dữ kiện và các tình tiết bổ sung là hình ảnh một vụ việc từ khi bắt đầu phát sinh đến khi kết thúc. Cách giải quyết vụ, việc khi làm bài của học viên sẽ phản ánh kết quả kiểm tra hoặc thi đúng sai đến đâu? đạt kết quả thế nào?
Đề thi được xuất bản thành sách gọi là Ngân hàng đề thi theo từng môn học trong đó có đáp án của từng đề làm tài liệu cho học viên học tập và đối với học viên theo học ở Học viện thì khi kiểm tra và thi, đề thi sẽ là một trong các đề thi trong Ngân hàng đề thi của môn học đó;
Khi tham gia kiểm tra và thi học viên được sử dụng tất cả các văn bản pháp luật có liên quan đến môn học đó và Giáo trình của Học vịên để giải bài. Học viên chỉ không được sử dụng Ngân hàng đề, các tài liệu khác hai loại được sử dụng nêu trên và không được trao đổi.
Các hình thức đánh giá kết quả học tập khác: Học viên được tổ chức diễn án, thi hùng biện và thực hành tại Trung tâm thực hành nghề luật.
Với tất cả những thành tựu đã đạt được, Học viện Tư pháp đang nỗ lực phấn đấu để nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như mở rộng quy mô đào tạo, nghiên cứu khoa học và đóng góp thiết thực vào quá trình cải cách tư pháp, đáp ứng được nhu cầu của thực tế và yêu cầu phát triển của đất nước.