Phần I: HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CỦA ĐỨC
I. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị, Lãnh đạo chủ chốt (thuộc đảng phái nào)
1. Quốc hội Liên bang (Hạ viện):
Hệ thống bầu cử của Đức tương đối phức tạp, quy định mỗi đảng tranh cử phải giành được ít nhất 5% số phiếu bầu mới được tham gia Quốc hội Liên bang (QHLB). QHLB có các nhiệm vụ:
- Bầu và có thể bãi nhiệm Thủ tướng Liên bang bằng cách bỏ phiếu bất tín nhiệm.
- Lập pháp: Từ năm 1949 đã có khoảng hơn 10.000 dự án luật được đưa ra QHLB và hơn 6.600 luật được thông qua, đa số là các luật sửa đổi.
- Kiểm tra giám sát hoạt động của Chính phủ. Phần công việc kiểm tra của QHLB được công bố trước công luận là do phe đối lập trong QH thực hiện.
Quốc hội Liên bang nhiệm kỳ thứ 18 (2013 – 2017) có 630 đại biểu.
2. Hội đồng Liên bang (Thượng viện):
Hội đồng Liên bang là cơ quan đại diện của 16 bang, không phải do tổng tuyển cử bầu ra mà do Quốc hội các bang cử với số lượng tỉ lệ thuận với dân số của từng bang. Thủ hiến các bang thay nhau làm Chủ tịch Hội đồng Liên bang với thời hạn 1 năm. Chủ tịch Hội đồng liên bang thực hiện các công việc của Tổng thống khi Tổng thống vắng mặt.
3. Tổng thống Liên bang:
Tổng thống là đại diện cho CHLB Đức với tư cách là Nguyên thủ quốc gia. Tổng thống đại diện đất nước đối với quốc tế và bổ nhiệm các thành viên Chính phủ, thẩm phán và quan chức cao cấp.
Nhiệm kỳ của Tổng thống là 5 năm và có thể được bầu lại thêm một lần nữa.
4. Thủ tướng Liên bang và Chính phủ:
Thủ tướng là thành viên duy nhất của Chính phủ Liên bang được bầu. Hiến pháp trao cho Thủ tướng quyền tự chọn bộ trưởng là người đứng đầu các cơ quan chính trị quan trọng nhất. Ngoài ra, Thủ tướng quyết định số lượng các bộ và ấn định thẩm quyền của các bộ.
Hệ thống bầu cử của Đức khiến cho từng đảng riêng rẽ rất khó một mình đứng ra thành lập chính phủ. Thông thường, các đảng phải liên minh với nhau. Từ cuộc bầu cử QHLB đầu tiên năm 1949 đến nay, đã có 22 Chính phủ liên minh ở Đức. Chính phủ của Đức nhiệm kỳ 2013 – 2017 là Chính phủ đại Liên minh (CDU/CSU/SPD) gồm 15 Bộ và một cơ quan ngang Bộ là Phủ Thủ tướng.
5. Toà án Hiến pháp Liên bang:
Toà án Hiến pháp Liên bang (TAHPLB) có trụ sở tại thành phố Karlsruhe, gồm 2 toà, mỗi toà có 8 thẩm phán gồm một nửa do QHLB và một nửa do Hội đồng Liên bang bầu. Nhiệm kỳ của mỗi thẩm phán là 12 năm và không được bầu lại. TAHPLB là một cơ quan đặc trưng của nền dân chủ Đức sau chiến tranh. Theo Hiến pháp, TAHPLB có quyền huỷ bỏ những đạo luật nếu xác định rằng những đạo luật đó vi phạm Hiến pháp.
6. Các đảng chính trị:
Ở Đức có khoảng 37 đảng đăng ký hoạt động, nhưng chỉ có một số đảng lớn có ghế trong QHLB và thay nhau cầm quyền. Các chính đảng lớn gồm CDU/CSU (Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo/ Xã hội Thiên chúa giáo), SPD (Xã hội Dân chủ), FDP (Tự do Dân chủ), đảng Xanh và đảng Cánh tả (trước đây là đảng XHCN thống nhất – SED).
- Đảng Xã hội Dân chủ (SPD): là đảng cánh tả lớn nhất và cũng là chính đảng lâu đời nhất ở Đức được thành lập năm 1863. Sau khi bị cấm trong thời kỳ chủ nghĩa phát xít, đảng được tái lập năm 1945. Với chương trình Godesberg năm 1959, đảng chính thức không còn là một đảng công nhân mà là một đảng quần chúng. Niềm tin của đảng là “Tự do, Công bằng và Đoàn kết”.
- Đảng Cánh tả: là đảng kế thừa của Đảng XHCN thống nhất Đức (SED), là đảng lãnh đạo CHDC Đức trước đây. Đảng dựa trên lý tưởng XHCN, ủng hộ phong trào cánh tả và phần nào phong trào dân chủ xã hội.
- Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo và xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU): Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU): là đảng cánh hữu lớn nhất ở Đức, thành lập năm 1945 và có khuynh hướng bảo thủ. Đảng Liên minh xã hội Thiên chúa giáo (CSU) có đường lối bảo thủ tương tự nhưng chỉ hoạt động tại Bang Bayern. Hai đảng này cùng nhau tạo thành một đảng phái chung trong Quốc hội Liên bang Đức, thường được gọi chung là “liên minh” hay “các đảng liên minh”.
- Đảng Dân chủ Tự do (FDP): thành lập năm 1948. Đảng FDP ủng hộ quyền tự do cá nhân, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế và quyền công dân. FDP là đối tác Liên minh nhỏ, nhưng tham gia Chính phủ liên bang nhiều nhiệm kỳ. Tại cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang tháng 9/2013, đảng FDP đã thất bại thảm hại (4,3%) và lần đầu tiên vắng mặt trong Quốc hội kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
- Đảng Xanh: ra đời từ các phong trào xã hội mới cuối thập kỷ 1970 như phong trào phụ nữ, phong trào hòa bình và phong trào sinh thái. Năm 1983, Đảng được bầu vào Quốc hội Liên bang lần đầu tiên. Năm 1990, đảng Xanh hoà nhập với phong trào nhân dân Đông Đức (Liên minh 90) trở thành Liên minh 90/ Xanh. Đảng Xanh là lực lượng đang nổi lên, ngày càng thu hút nhiều sự ủng hộ do nhu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Các đảng phái khác: một số đảng khác có khuynh hướng cực hữu như Người Cộng hoà (REP), Liên minh Nhân dân Đức (DVU), Dân chủ quốc gia Đức (NPD), v.v…đều là các đảng nhỏ, chưa từng có ai đại diện trong Quốc hội Liên bang trong 60 năm qua, nhưng có thời điểm có chân trong quốc hội một số bang. Các đảng này phát triển khá mạnh ngay sau khi tái thống nhất nước Đức do lợi dụng tâm lý bất bình của người dân với chính sách nhập cư của Chính phủ, song hiện nay có xu hướng suy yếu.
Phần II: HỆ THỐNG PHÁP LUẬT CỦA CHLB ĐỨC
Hệ thống pháp luật Đức là hệ thống pháp luật liên bang, mỗi bang có một nghị viện riêng, có thẩm quyền lập pháp.
Bộ luật dân sự Đức là bộ luật điển hình hay còn gọi là bộ luật của các giáo sư, vì nó được các giáo sư trong các trường đại học ở Đức soạn thảo, gồm 2400 đoạn, 5 quyển (phần chung, nghĩa vụ, các quyền tài sản và quyền sở hữu, luật gia đình, luật thừa kế), nội dung có tham vọng điều chỉnh nhiều vấn đề. Đức cũng có Bộ luật thương mại riêng.
Hệ thống Toà án của Đức gồm toà Hiến pháp, toà án bang (16 bang) và toà án liên bang (6 toà án) và toà khu vực, những vụ việc dân sự thì được xét xử ở cấp khu vực, phúc thẩm ở cấp bang và chung thẩm ở cấp liên bang; đối với những vụ việc nghiêm trọng thì xét xử cấp bang và phúc thẩm, chung thẩm cấp liên bang. Toà án Hiến pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến hiến pháp, tranh chấp giữa liên bang và bang hoặc các bang với nhau. Đối với toà liên bang bao gồm các toà như: toà thuế, các vấn đề xã hội, các vấn đề lao động, các vấn đề hành chính và các vấn đề chung. Toà án bang được tổ chức như các toà án của liên bang; Toà khu vực xét xử các lĩnh vực xã hội, lao động, hành chính dân sự, hình sự, thương mại được tách ra từ toà xét xử các vấn đề chung của toà bang.
Việc đào tạo luật và nghề luật của Đức cũng có nét đặc trưng riêng, nhìn chung ở Đức không có mô hình đào tạo nghề luật như ở Pháp, bậc đại học kéo dài 4 năm và kết thúc bằng kỳ thi quốc gia thứ nhất, sau khi có chứng chỉ phải có tiếp 3 năm thực tập, trong 3 năm thực tập phải có 1,5 năm học kỹ năng (chuẩn bị hồ sơ, tiếp xúc với khách hàng, tranh tụng…), nửa năm thực tập tại toà án, nửa năm thực tập tại văn phòng luật sư và nửa năm dành cho việc thi quốc gia lần 2. Người tốt nghiệp sau kỳ thi quốc gia lần 2 mới có bằng chính thức, người muốn trở thành luật sư không phải học để lấy bằng luật sư và người muốn trở thành thẩm phán thi xong ra thực tập có thể được bổ nhiệm không phải học như ở Pháp. Nghề luật sư ở Đức được coi là nghề phục vụ công lý không giống như ở Pháp là một nghề tự do phục vụ cho khách hàng, có thoả thuận thù lao với khách hàng, còn ở Đức thì không được tự ý thoả thuận, luật sư chỉ được lấy thù lao theo qui định. Luật sư có thể chuyên sâu vào một lĩnh vực nếu đã có chứng chỉ chuyên ngành, đã hành nghề 2 năm và chỉ được chuyên sâu tối đa 5/ 5 lĩnh vực.
Ở Đức, sự phân chia quyền lực theo chiều ngang được thực hiện trên cơ sở Điều 20 của Đạo luật cơ bản. Về phương diện khoa học, quyền lập pháp thường được hiểu là quyền lực, trên cơ sở đó các tổ chức nhất định được trao cho quyền làm luật. Trong một nền dân chủ đại diện, quyền lập pháp được trao cho Quốc hội. Nhiệm vụ quan trọng nhất của nó là tư vấn, ban hành các đạo luật và kiểm tra quyền hành pháp. Bên cạnh các hoạt động này, thuộc vào lĩnh vực nhiệm vụ của quyền lập pháp là các quyết định về ngân sách liên bang, chiếm đóng quân sự ở nước ngoài, bầu cử Thủ tướng. Ở cấp liên bang, quyền lập pháp được thực hiện bởi Quốc hội liên bang, quyền lập pháp được đại diện bởi các Quốc hội của các bang tương ứng. Ở cấp xã không tồn tại quyền lập pháp.
Nhánh đạo luật hiện hành quyền lực thứ hai là quyền hành pháp. Quyền hành pháp là quyền lực thực thi các danh nghĩa của Nhà nước. Quyền hành pháp bao gồm cả sự cai trị và sự quản lý. Ở Đức, tính vào cấu trúc nhân sự của quyền hành pháp là tất cả các công chức liên bang, công chức bang và công chức xã. Khác với ở ViệtNam, ở Đức viện kiểm sát được xếp vào nhóm cơ quan hành pháp.
Ở Đức, xuất phát từ sự phân chia quyền lực ba bên mang tính cổ điển, khái niệm quyền tư pháp diễn tả quyền lực thứ ba hoặc quyền tài phán, tồn tại bên cạnh quyền lập pháp và quyền hành pháp. Quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp được phân chia cho ba cơ quan nhà nước khác nhau là Quốc hội, Chính phủ, và tòa án với các thẩm phán độc lập. Giống như các nền dân chủ nghị viện khác, hình thức cổ điển của sự phân chia quyền lực này chỉ còn tồn tại trong một cách thức đã có sự thay đổi. Quyền tư pháp kiểm soát sự tuân thủ pháp luật, duy trì, cụ thể hóa và phát triển của pháp luật. Quyền tư pháp được trao cho các tòa án và thẩm phán, các tổ chức và công chức có thẩm quyền tài phán hoạt động trên danh nghĩa của Nhà nước. Các tòa án độc lập với Chính phủ và hoạt động độc lập theo Hiến pháp và chỉ tuân theo pháp luật chứ không theo các chỉ thị (Điều 97 Đạo luật cơ bản). Quyền tư pháp được thực hiện bởi Tòa án hiến pháp liên bang, các tòa án liên bang và các tòa án của các bang. Tòa án hiến pháp liên bang được xem như thiết chế tư pháp cao nhất. Cơ quan này có thẩm quyền kiểm tra sự tuân thủ các đạo luật và xác định liệu các đạo luật có mâu thuẫn với hiến pháp hay không. Tòa án hiến pháp có thể ngăn chặn Thủ tướng (một bộ phận của quyền hành pháp) và Quốc hội (một phần của quyền lập pháp) nếu như các thiết chế này làm hoặc quyết định điều gì đó trái với hiến pháp. Sự phân chia quyền lực ở Đức được tiến hành theo Điều 20 của Đạo luật cơ bản. Sự phân chia này không quá khắt khe và có thể chuyển giao cho nhánh quyền lực khác. Chẳng hạn, Quốc hội liên bang lựa chọn Thủ tướng; tòa án có nghĩa vụ cấp đăng ký, như cấp đăng ký thương mại. Ở Đức, do quyền tư pháp có vị trí rất mạnh làm cho không gian hành động của sự thể hiện mang tính chính trị bị giới hạn trong phạm vi đáng kể. Một mặt điều này được ủng hộ như là "sự kiềm chế" của quyền thể hiện của đa số trong Quốc hội và quyền hành pháp, nhưng mặt khác, theo nhìn nhận của một số người thì sự thống trị của quyền tư pháp đối với quyền lập pháp và quyền hành pháp có thể được nhìn nhận như là tiêu cực, bởi nó tạo ra Nhà nước tư pháp.