Đang online: 17

Lượt truy cập: 62280408

Giới thiệu

Giới thiệu chung
Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp được thành lập theo Quyết định số 295/QĐ-GĐ ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Giám đốc Học viện Tư pháp. Khoa Đào tạo Luật sư là đơn vị hành chính cơ sở của Học viện Tư pháp, với nhiệm vụ, quyền hạn sau:
  • Xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập và chủ trì tổ chức quá trình đào tạo luật sư theo kế hoạch đào tạo hàng năm do Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt; phối hợp với các đơn vị của Học viện tổ chức quá trình đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp khác trong chương trình, kế hoạch giảng dạy chung của Học viện;
  • Tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình các môn học trong chương trình đào tạo nghề luật sư; tổ chức biên soạn sách tham khảo và các tài liệu khác phục vụ công tác đào tạo nghề luật sư theo kế hoạch của Học viện;
  • Phối hợp với các Đoàn Luật sư tổ chức cho giảng viên, cán bộ và học viên nghiên cứu và học tập các hoạt động thực tiễn của luật sư;
  • Quản lý chất lượng, nội dung, phương pháp đào tạo nghề luật sư; tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; tổ chức các phong trào phát huy sáng kiến trong công tác gỉảng dạy của giảng viên;
  • Quản lý giảng viên, cán bộ, nhân viên và học viên của khoa theo phân cấp của Giám đốc Học viện; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên và học viên của khoa; tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và cán bộ nhân viên của khoa theo kế hoạch chung của Học viện;
  • Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, chủ động khai thác các dự án hợp tác quốc tế; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc gắn đào tạo và nghiên cứu khoa học với hoạt động thực tiễn nghề nghiệp;
  • Đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bổ trí trang thiết bị dạy - học, thực hành, thực tập; quản lý cơ sở vật chất và thực hiện công tác lưu trữ các tài liệu của Khoa theo quy định;
  • Phối hợp với Phòng Tài chính – Kế toán lập dự toán thu chi của các lớp do khoa quản lý;
  • Thực hiện chế độ thống kê, tổng hợp, báo cáo theo quy định;
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Học viện giao.
   Cơ cấu tổ chức của Khoa gồm có: Trưởng khoa, các Phó Trưởng khoa, các giảng viên, chuyên viên trợ lý khoa. Khoa đào tạo Luật sư có 05 Bộ môn:
  • Bộ môn Luật sư và nghề luật sư,
  • Bộ môn Tranh tụng Hình sự,
  • Bộ môn Tranh tụng Dân sự,
  • Bộ môn Tranh tụng Hành chính,
  • Bộ môn Tư vấn pháp luật và hợp đồng
  1. Về công tác giảng dạy
Khoa Đào tạo Luật sư thực hiện hoạt động đào tạo nghề Luật sư tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và liên kết đào tạo tại các địa phương trong toàn quốc với số lượng đào tạo trung bình mỗi năm trên 1.500 học viên.
  1. Về công tác nghiên cứu khoa học
Khoa Đào tạo Luật sư chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học như: Chủ trì các Hội nghị tập huấn; Chủ trì và tham gia biên soạn giáo trình, hồ sơ tình huống; Chủ trì và tham gia đề tài khoa học các cấp; thực hiện các nhiệm vụ khoa học khác để nghiên cứu ứng dụng nâng cao chất lượng dạy và học trong đào tạo nghề Luật sư nói riêng và đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp nói chung.
  1. Về công tác xây dựng Chương trình
Hiện nay, Khoa Đào tạo Luật sư đang thực hiện hoạt động đào tạo nghề Luật sư trên cơ sở Chương trình chi tiết đào tạo nghề Luật sư đã được ban hành và sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 829/QĐ-HVTP ngày 24/9/2014 của Giám đốc Học viện Tư pháp. Chương trình chi tiết đào tạo nghề Luật sư được triển khai theo Chương trình khung đào tạo nghề luật sư do Bộ Tư Pháp ban hành.
Chương trình đào tạo nghề Luật sư đang áp dụng hiện hành theo hình thức đào tạo niên chế. Tổng số tiết mà học viên phải tích lũy là 1130 tiết thực học (chưa kể thời gian khai giảng, bế giảng, nghỉ ôn thi, nghỉ các ngày lễ, tết và các chuyên đề dự phòng). Cụ thể:
  • Khối kiến thức chung về nghề luật sư (bắt buộc, gồm 70 tiết chiếm tỷ lệ 6,2% chương trình). Phần này gồm các quy định pháp luật về nghề luật sư; quy tắc đạo đức nghề nghiệp …;
  • Khối kiến thức bổ trợ nghề nghiệp luật sư (bắt buộc, gồm 70 tiết chiếm tỷ lệ 6,2% chương trình). Phần này cập nhật kiến thức pháp luật mới, thông tin thời sự - pháp luật và các kỹ năng mềm);
  • Khối kiến thức về kỹ năng cơ bản ở các lĩnh vực hành nghề (bắt buộc, gồm 640 tiết chiếm tỷ lệ 56,6 % chương trình). Trong phần kỹ năng hành nghề được phân thành từng lĩnh vực thực tế hành nghề như:
  • Kỹ năng cơ bản trong việc giải quyết các vụ án hình sự (175 tiết);
  • Kỹ năng cơ bản trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự (180 tiết);
  • Kỹ năng tham gia giải quyết các vụ việc hành chính (125 tiết);
  • Kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực tư vấn pháp luật (160 tiết).
  • Khối kiến thức về thực hành nghề luật sư (bắt buộc, gồm 250 tiết, chiếm tỷ lệ 22,1% chương trình). Phần này bao gồm diễn án, tham gia thực hành tư vấn pháp luật tại Trung tâm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tham gia phiên tòa, kiến tập tại các văn phòng, công ty luật và sinh hoạt ngoại khóa;
  • Khối kiến thức định hướng phát triển chuyên sâu (học viên được lựa chọn theo nhu cầu, gồm 100 tiết, chiếm tỷ lệ 8,9% chương trình).
Bên cạnh việc thực hiện giảng dạy theo Chương trình này, hiện nay Học viện Tư pháp đang phối hợp xây dựng Chương trình khung đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ. Việc xây dựng và đưa vào thực hiện Chương trình đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ sẽ tạo điều kiện cho Học viên chủ động thời gian, lựa chọn được môn học theo yêu cầu.
  1. Về giáo trình, tài liệu giảng dạy
Về giáo trình: Giáo trình sử dụng cho các lớp đào tạo nghề luật sư bao gồm: Giáo trình Luật sư và nghề Luật sư; Giáo trình Kỹ năng giải quyết vụ án hình sự; Giáo trình kỹ năng giải quyết các vụ, việc dân sự (phần cơ bản và phần chuyên sâu); Giáo trình kỹ năng giải quyết các vụ việc hành chính; Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật (phần cơ bản); Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp (phần chuyên sâu); Giáo trình Luật hình sự; Giáo trình Luật tố tụng hình sự; Giáo trình Luật dân sự; Giáo trình Luật tố tụng dân sự…
Về hồ sơ tình huống: Hồ sơ tình huống được áp dụng trong đào tạo thực hành nghề luật sư được lựa chọn, biên soạn từ các vụ án thực tế, điển hình đã được xét xử tại các cấp Toà án. Các hồ sơ này được biên tập lại cho phù hợp với công tác đào tạo và thẩm định thông qua hội đồng để sử dụng làm tài liệu học tập, giảng dạy các bài kỹ năng và được dùng để diễn án. Việc sử dụng hồ sơ tình huống thực tế để giảng dạy kết hợp giữa đào tạo kỹ năng hành nghề với trau dồi, rèn luyện thái độ ứng xử tuân thủ sự tôn nghiêm của pháp luật cho người học, giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng công lý, lẽ công bằng và nhân văn làm gốc rễ của triết lý đào tạo, coi trọng chất lượng đào tạo làm nền tảng của nguyên lý và phương pháp đào tạo nghề luật.
  1. Về đội ngũ cán bộ, giảng viên
Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa không ngừng tăng về số lượng và chất lượng. Hiện nay, Khoa có 17 viên chức, 1 hợp đồng lao động dài hạn. Trong đó có 01 Phó giáo sư - Tiến sỹ, 07 tiến sỹ, 09 thạc sỹ (trong đó có 01 đồng chí đang học nghiên cứu sinh tại Đại học Luật Hà Nội), 01 cử nhân (hiện đang học thạc sỹ tại Viện đại học mở Hà Nội).
Đội ngũ giảng viên của Khoa Đào tạo Luật sư là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của Học viện. Nhờ được tuyển chọn kỹ càng, chặt chẽ nên đội ngũ giảng viên của Khoa là những người có phẩm chất đạo đức tốt; có lối sống lành mạnh trong sáng; có tinh thần đoàn kết nội bộ, có ý thức tương trợ nhau trong công việc.
Trong công tác chuyên môn, đội ngũ giảng viên Khoa Đào tạo Luật sư là những người có ý thức rèn luyện, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; luôn giữ vững và trau dồi đạo đức nhà giáo. Đội ngũ giảng viên của Khoa đã và đang thể hiện được tinh thần trách nhiệm, gắn bó, tâm huyết với nghề. Các giảng viên Khoa đào tạo Luật sư đều được đào tạo một cách bài bản ở các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước, 100% tốt nghiệp hệ đại học chính quy xếp loại học lực khá trở lên, 100% số giảng viên của khoa đã trải qua các lớp đào tạo phương pháp sư phạm; 80% số giảng viên của khoa đã qua các lớp học về phương pháp giảng dạy hiện đại.
Bên cạnh đó Khoa còn có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng lên đến 200 người. Đó là đội ngũ các Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư hành nghề lâu năm, có nhiều kinh nghiệm và được Học viên các Khóa đào tạo nghề luật sư đánh giá cao về nội dung và phương pháp sư phạm.
  1. Các thành tích khen thưởng đã được ghi nhận
Khoa Đào tạo Luật sư nhiều năm liền được Bộ Tư pháp công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen. Ngoài ra Khoa đào tạo Luật sư còn nhận được nhiều Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh (Điện Biên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Cà Mau …) vì có nhiều đóng góp trong hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng luật sư tại địa phương.