Sáng 30/5, Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải và trọng tài ở Việt Nam theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Trương Thế Côn chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Lê Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch Hội đồng VIAC, Tổng Biên tập tạp chí Pháp luật và Phát triển; LS. Nguyễn Hưng Quang - Giám đốc Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC); TS. Nguyễn Hoài Nam - Phó Trưởng khoa, Giám đốc chương trình Luật Kinh tế, Đại học Hoa Sen. Phía Học viện Tư pháp có PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Bí Thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; ThS. Nguyễn Trường Thiệp - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp kiêm Trưởng Cơ sở tại TP Hồ Chí Minh cùng đại diện lãnh đạo các Trung tâm trọng tài, Trung tâm hòa giải, các luật sư, hòa giải viên, trọng tài viên, đại diện lãnh đạo các cơ sở đào tạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Trên thế giới, phương thức giải quyết tranh chấp hòa được các cá nhân, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn với nhiều ưu điểm như tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo mật, giúp cho các bên tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác, kinh doanh. Đối với các nước phát triển, phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án phát triển và đạt được kết quả tốt. Ở Việt Nam, thông qua Luật Trọng tài từ năm 2010, có hiệu lực năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại... tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động trọng tài, hòa giải chưa thực sự phát triển, hoạt động giải quyết tranh chấp theo phương thức hòa giải và trọng tài chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Trương Thế Côn bày tỏ mong muốn Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đại biểu tham dự chủ động trao đổi, thảo luận về thực trạng quy định của pháp luật, thực hiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải ở Việt Nam, đồng thời, đề xuất các định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải ở Việt Nam.
Về thực trạng quy định của pháp luật, thực hiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại theo phương thức hòa giải ở Việt Nam, ThS.LS. Nguyễn Hưng Quang – Giám đốc Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam nêu rõ, nhu cầu của thị trường và khả năng đáp ứng của đội ngũ hoà giải viên thương mại chuyên nghiệp chưa đáp ứng được thực tế, Mặc dù đã có nhiều trung tâm hoà giải thương mại hay trung tâm trọng tài có chức năng hòa giải thương mại, số lượng vụ việc giải quyết bằng hoà giải thương mại còn ít trong các năm vừa qua, việc này có thể xuất phát từ những nguyên nhân như: nhận thức của doanh nghiệp về phương thức giải quyết tranh chấp mới, một số quy định pháp luật liên quan đến hoạt động hoà giải thương mại còn chưa được rõ ràng; nhu cầu của thị trường giải quyết tranh chấp thương mại bằng hoà giải có nhiều điều kiện để phát triển nhưng hiện nay số lượng các vụ việc giải quyết tranh chấp được giải quyết tại các tổ chức hoà giải thương mại ngoài Toà án chưa được nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng nếu so sánh với khối lượng các vụ việc kinh doanh thương mại được giải quyết bởi hệ thống Toà án và các tổ chức trọng tài…
Để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại thao phương thức hòa giải ở Việt Nam, LS. Nguyễn Hưng Quang cho rằng cần hình thành một đội ngũ Thẩm phán ở Tòa án các cấp có kiến thức và hiểu biết về kinh doanh thương mại, cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế; phát triển đội ngũ hòa giải viên thương mại theo hướng chuyên nghiệp thông qua yêu cầu về tham gia tập huấn, bồi dưỡng bắt buộc; nghiên cứu xây dựng một bộ quy tắc khung về đạo đức và ứng xử cua hòa giải viên của các tổ chức hòa giải thương mại; nhà nước cần có các chính sách tài trợ, ưu đãi cho hoạt động của các trung tâm hòa giải thương mại.
Về thực trạng pháp luật về trọng tài thương mại ở Việt Nam, GS.TS. Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và kinh tế ASEAN, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, phương thức trọng tài đang có những bước phát triển lớn và đang mang lại nhiều giá trị phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật trọng tài thương mại hiện hành vẫn còn một số hạn chế về thỏa thuận trọng tài; thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại; về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài và cơ chế trọng tài viên khẩn cấp; căn cứ hủy phán quyết trọng tài.
Bên cạnh đó, GS.TS. Lê Hồng Hạnh đề xuất một số giải pháp hoàn thiện thể chế trọng tài cụ thể là, mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp; giới hạn can thiệp và xác định nghĩa vụ cơ quan nhà nước; đảm bảo hiệu lực của phán quyết trọng tài; hoàn thiện cơ chế ủy quyền trong tranh tụng trọng tài; hoàn thiện căn cứ hủy phán quyết trọng tài.
Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận các nội dung về thẩm quyền trọng tài và hội đồng trọng tài trong đánh giá chứng cứ; cơ chế khuyến khích giảng dạy, đào tạo kiến thức cho đội ngũ trọng tài viên; khung pháp luật và cơ chế bảo đảm cho hoà giải thương mại; thẩm quyền trọng tài và hủy phán quyết trọng tài…