1. Khái quát chung
Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ được thành lập theo Quyết định số 44/QĐ-HVTP ngày 01 tháng 04 năm 2011 của Giám đốc Học viện Tư pháp, thực hiện chức năng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức pháp luật cho các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp và các đối tượng khác theo nhu cầu xã hội.
Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm cho công chức, viên chức Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ còn xây dựng, thực hiện các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ về công tác pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để phòng ngừa tranh chấp, khiếu kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nói riêng và các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành nói chung.
Trong khoảng 5 năm, tính từ khi thành lập tới nay, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ đã bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho hơn 30.000 lượt người. Các lớp bồi dưỡng do Trung tâm thực hiện đã được đánh giá cao về chất lượng (qua tổng hợp các phiếu đánh giá của người học và của các cơ quan, đơn vị cử người tham gia các lớp bồi dưỡng) đối với chương trình, tài liệu, giảng viên, phương pháp giảng dạy cũng như công tác tổ chức lớp học. Hàng năm, Trung tâm thực hiện bồi dưỡng được khoảng 60 đến 70 lớp cho khoảng 5.000 lượt người.
2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn:
- Xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng dài hạn, hằng năm;
- Chủ trì và phối hợp với các Khoa chuyên môn của Học viện, các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng các chương trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng.
- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức các khóa bồi dưỡng theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt và theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức.
- Điều động, bố trí giảng viên, quản lý việc lên lớp của giảng viên, thanh toán tiền giảng và các phụ cấp khác theo chế độ hiện hành cho giảng viên;
- Quản lý học viên; quản lý và cấp phát chứng chỉ bồi dưỡng, giấy chứng nhận hoàn thành khóa học cho học viên;
- Tổng hợp, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của Trung tâm theo quy định;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Học viện Tư pháp giao.
3. Về cơ cấu tổ chức:
Cơ cấu tổ chức hiện tại của Trung tâm gồm:
- 01 Giám đốc;
- 01 Phó Giám đốc;
- 02 chuyên viên và 01 nhân viên Hợp đồng;
- Về giảng viên: Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ xây dựng được một đội ngũ giảng viên thỉnh giảng rất phong phú, đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực công tác, đến từ các Bộ, ngành, địa phương. Giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy cho Trung tâm đều là đội ngũ chuyên gia đầu ngành của đất nước, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, có năng lực, có trình độ lý luận cao. Nhiều giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy cho Trung tâm đã hoặc đang giữ các chức vụ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước như Đồng chí Vũ Khoan – Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Trương Đình Tuyển – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; GS.TS. Phùng Hữu Phú – Nguyên UVTW Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương; Đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh – Thứ trưởng Bộ Nội vụ; PGS-TS. Hoàng Thế Liên – Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp; Đồng chí Bạch Ngọc Chiến – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định…. Hiện nay, số lượng giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy cho Trung tâm lên đến hơn 200 giảng viên.
4. Về định hướng phát triển:
Trong thời gian tới, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ tiếp tục phấn đấu thực hiện thành công với chất lượng cao tất cả các nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên, hàng năm cho công chức, viên chức của Bộ Tư pháp và cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.
Ngày 08/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2083/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” trong đó đã xác định nhiệm vụ: “Mở rộng quy mô bồi dưỡng một số chức danh tư pháp và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, đến năm 2020 đạt số lượng khoảng 120.000 lượt người. Đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng chuyên sâu trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật theo mục tiêu phục vụ hội nhập quốc tế; bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với quy mô khoảng 50.000 lượt người; góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành tư pháp và nguồn nhân lực Việt Nam đến năm 2020”.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ sẽ đẩy mạnh và mở rộng hoạt động bồi dưỡng nhất là bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào bồi dưỡng ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp cho viên chức; bồi dưỡng kỹ năng mềm cho công chức, viên chức; bồi dưỡng các kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ liên quan đến công tác pháp luật, pháp chế. Đặc biệt, Trung tâm sẽ tập trung vào việc bồi dưỡng theo mục tiêu phục vụ hội nhập quốc tế như bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng giải quyết tranh chấp quốc tế; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật tại các doanh nghiệp, ngân hàng…để góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành tư pháp và nguồn nhân lực Việt Nam.